Vivo V1 và V1 Max là hai mẫu điện thoại có thiết kế khá tương đồng nhau mặc dù giữa chúng có một vài khác biệt dễ nhận thấy. Thương hiệu này vừa xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2015, mặc dù nghe tên bạn sẽ thấy nó mới, nhưng thực ra giữa Vivo và Oppo lại có chung tập đoàn mẹ là BBK Electronics. Chính vì vậy không khó để nhận ra sự tương đồng của hai dòng sản phẩm này khi so sánh với Oppo R series. Vivo V1 và V1 Max sở hữu nền tảng Qualcomm Snapdragon 410 và 615 nên máy sử dụng tốt mạng 4G đang thử nghiệm tại Việt Nam.

Phong cách thiết kế của Vivo V1 và V1 Max đi theo khuôn mẫu thiết kế hơi cũ một chút. Vào thời điểm giới thiệu thì các điện thoại ở cùng phân khúc họ sử dụng kính 2.5D và viền bo sóng được giản lược nhiều thì Vivo vẫn sử dụng phong cách kính phẳng, vỏ kim loại với hai miếng ốp nhựa lớn ở hai phần trên và dưới. Ở mặt sau, thiết kế camera không lồi nhiều và được viền bằng lớp kim loại xung quanh. Vỏ máy được làm chắc chắn cùng thiết kế mỏng chỉ 6,8 mm.

Ở mặt trước, Vivo V1 có màn hình 5”, trong khi V1 Max là 5,5”. Cả hai máy đều có độ phân giải 720p cho chất lượng hiển thị tốt, màu sắc rực rỡ. Hiện tượng rỗ xuất hiện nhẹ nếu nhìn kỹ phông chữ trên launcher mặc định, khi lướt web phóng to chữ thì không bị. Vivo V1 Max có màn hình hơi ám vàng một chút. Ở phía trên là loa thoại giống với thiết kế của các điện thoại Samsung, mặc dù Vivo làm trau chuốt hơn và không bị nhô lên trên nhiều, dù sau thì thiết kế này không được lòng số đông.

Sự khác biệt ở thiết kế trên V1 là bạn có thể gắn 2 khe SIM (1 khe micro và 1 nano) cùng thẻ nhớ mở rộng. Trong khi ở Vivo V1 Max thì một khay sẽ chứa 2 lựa chọn gồm 2 SIM micro hoặc 1 SIM và 1 khe cắm thẻ nhớ. Bù lại V1 Max có pin dung lượng cao hơn (2.720 mAh) so với 2.300 mAh của V1. Camera chính của máy có độ phân giải 13MP, camera trước 5MP, áp dụng cho cả hai phiên bản V1 và V1 Max.

Vivo V1 / V1 Max sở hữu giao diện Funtouch OS 2 nền Android 5.0, sử dụng với launcher BBK chứa giao diện widget kết hợp với appdrawer khá tiện lợi. Có một điều hơi khó chịu ở launcher này là Vivo mặc định quyền hạn nó quá cao, nếu bạn dùng launcher ngoài bị lỗi ứng dụng thì phải thiết lập lại (khá phiền). Launcher này có một số tiện ích thú vị như thanh công cụ vuốt từ dưới lên: cho phép chọn nhanh các ứng dụng vừa chạy, chỉnh độ sáng màn hình và nhiều công cụ. Thanh Notification truyền thống của Android 4.x được giữ lại. Thực tế thanh thông báo này vẫn được lòng người dùng hơn là dạng thẻ tab trên Android 5.x nguyên bản.



Trong phần Settings, Vivo tuỳ biến lại khá nhiều nên bạn sẽ thấy hơi lạ lẫm khi lần đầu dùng. Chẳng hạn menu Bluetooth, About Phone, VPN, thiết lập khoá màn hình lại nằm sâu ở mục… More Settings bên dưới mục Language & Input. Giá mà Vivo thêm phần search cho Settings thì sẽ không phải là vấn đề lớn.

Máy có thể hoạt động một số ứng dụng đa nhiệm với cửa sổ nhỏ như tin nhắn, nhạc, ghi chú và video. Phần Smart Motion có nhiều các thiết lập thú vị như bạn có thể vẽ chữ khi máy tắt màn hình để kích hoạt nhanh ứng dụng, gán cho phím tăng giảm âm lượng chức năng đèn pin hay mở nhanh camera. Máy có chức năng mở màn hình dạng glance, cũng như tuỳ chỉnh vẫy tay trên cảm biến nhận diện để mở khoá màn hình.

Ở phân khúc của V1 và V1 Max, Vivo không nhấn mạnh vào phần âm thanh, mặc dù họ có sản phẩm X5Max sử dụng chip DAC ESS ES9018 chuyên cho âm thanh cao cấp. Trong thiết lập hiệu ứng âm thanh của V1 thì bao gồm các thiết lập âm thanh giả lập hiệu ứng 3D, chế độ âm thanh BBE dành cho các mẫu tai nghe của Vivo.

Có thể thấy Vivo V1 và V1 Max khá dễ dàng lựa chọn cho một thiết bị điện thoại với vỏ kim loại, thiết kế mỏng cùng khả năng hỗ trợ 4G LTE trong tương lai. Giá của Vivo V1 là 5,5 triệu đồng, V1 Max có giá cao hơn 1 triệu là 6,5 triệu đồng.
Xem thêm điện thoại vivo để biết thêm nhiều thông tin